18/02/2022
Tản mạn về ngày Tết của người con xa xứ
Năm mới đã sang để chào đón những điều mới mẻ, những bước tiến đầy trưởng thành được rút ra từ những thiếu sót của năm cũ. Nhân lúc sắc xuân và vị Tết vẫn còn chút vấn vương, cùng lắng nghe một chút cảm nhận về những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, hứa hẹn sẽ nói hộ tiếng lòng của nhiều người con xa xứ.
9 ngày Tết đã qua, cũng như bao người con phải làm việc xa nhà, xa xứ, tôi bắt đầu rục rịch chuẩn bị hành lý để trở lại Hà Nội với guồng quay của công việc. Khi về ăn Tết hân hoan, náo nức bao nhiêu thì lúc đi bịn rịn và luyến tiếc bấy nhiêu. Giá như Tết kéo dài không chỉ là 9 ngày mà là 90 ngày, 900 ngày… một phần để ăn chơi cho thỏa mà không cần làm lụng, phần lớn lại để những đứa con xa nhà như tôi được ở lại với gia đình mình cùng những người thân yêu thêm một chút nữa. Nói thật, ai đi xa mới thấm cảm giác sung sướng, hân hoan khi được về nhà sau cả năm trời học tập, sinh sống, làm việc ở thành phố. Rồi sự luyến tiếc chia ly vì hết Tết lại kéo nhau lên chốn đô thành phồn hoa náo nhiệt. Chẳng ai muốn xa quê, chẳng ai muốn tha hương, chẳng ai muốn sống ở một nơi mà không có bố mẹ, họ hàng, anh chị em, gia đình của mình. Nhưng vì mưu sinh, vì ước mơ đổi đời, vì khát khao được trải nghiệm, được tự lập, được làm giàu mà chúng ta đã chấp nhận điều đó.
Với những người học tập, đi làm xa nhà khá nhiều năm như tôi có thể cảm xúc đã chai lỳ chút ít vì dường như đã thân quen với việc này. Nhưng với sinh viên, các bạn trẻ năm 1, năm 2 mới chập chững vào đời đã phải tự mình bươn chải chốn thị thành thật không dễ dàng chút nào. Bản thân tôi khi mới vào Đại học cũng chỉ mong đến ngày nghỉ hay lễ Tết dài dài để được về trong vòng tay của cha mẹ. Những ngày Tết đang vui vẻ bên gia đình, có mẹ có cha, có ông bà nội ngoại, có họ hàng, có làng xóm… ra ra vào vào, mỗi người hỏi han một câu, râm ran cả nhà. Nay trở lại chốn đô thị phồn hoa đông vui rộn ràng đấy nhưng không hiểu sao nhiều lúc cảm giác trống trải và cô đơn đến lạ.
Vali lên thành phố, cha mẹ nhét cho bao nhiêu thứ, cái bánh chưng, hộp bánh, gói kẹo, bó rau, con gà, thịt cá… Ông bà, các chú các thím bên nội ngoại thì chúc cháu nó lên thành phố giữ gìn sức khỏe, gặp nhiều may mắn, sang năm lại về ăn Tết với mọi người. Đứa em trai bé bỏng của tôi cũng dặn đi dặn lại: “Chị nhớ về sớm với em.”
9 ngày Tết rồi cũng hết, những cuộc vui chơi cũng chấm dứt, chúng ta lại cuốn vào thực tại với những nỗi lo toan bộn bề vì cơm áo gạo tiền, vì những mục tiêu đã được đặt ra trong năm mới. Cuộc chiến mưu sinh lại tiếp diễn để chờ 12 tháng sau chúng ta lại nói: Thế là lại TẾT rồi…
Biên tập: AMELA